Điều lệ bình chọn “NÔNG DÂN VIỆT NAM XUẤT SẮC NĂM 2013”

I.       MỤC ĐÍCH – Ý NGHĨA

Việt Nam là một nước nông nghiệp với hơn 70% dân số sống ở khu vực nông nghiệp và nông thôn. Do đó, nông nghiệp luôn có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh, xã hội. Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến hoạt động phát triển nông nghiệp, Người xác định rằng “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc.Trong công cuộc xây dựng nước nhàchính phủ trông mong vào nông dântrông cậy vào nông nghiệp một phần lớn.Nông dân ta giàu thì nước ta giàu.Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh.”

Lịch sử phát triển của dân tộc đã chứng minh và khẳng định vai trò và vị thế của nông nghiệp – nông thôn – và nông dân trong công cuộc bảo vệ – xây dựng – và phát triển đất nước. Trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, nông dân luôn là lực lượng hùng hậu, trung thành cùng với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức chiến đấu trên khắp các mặt trận, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Quá trình khôi phục, xây dựng và phát triển đất nước có sự đóng góp to lớn của người nông dân. Trên mọi miền đất nước, hình ảnh người nông dân hăng say lao động sản xuất với niềm hân hoan và tự hào được tạo ra những sản phẩm phục vụ cuộc sống và xây dựng đất nước là tiền đề cơ bản cho sự phồn vinh và thịnh vượng của dân tộc.

Anh-Nong-dan2Ý thức rõ tầm quan trọng của giai cấp nông dân, Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn coi vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân là trung tâm và là đích hướng tới của mọi chính sách, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung Ương Đảng khóa X đã ra nghị quyết về nông nghiệp – nông dân – nông thôn trong đó xác định: Nông nghiệp – nông dân – và nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp CNH-HĐHxây dựng và bảo vệ tổ quốclà cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội bền vữnggiữ vững ổn định chính trịđảm bảo an ninhquốc phòng; giữ gìnphát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước…”.

Đất nước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đã và đang tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức cho các thành phần kinh tế trong nước, đặc biệt là ngành nông nghiệp và khu vực nông thôn.Là một nước nông nghiệp, khi gia nhập WTO, nông nghiệp đã được xác định là khâu đột phá, làm tiền đề và đòn bẩy vững chắc đẩy nhanh tiến độ tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế. Sau hơn 6 năm hội nhập WTO, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cần và thu hẹp thị trường xuất khẩu, nông nghiệp Việt Nam đã chứng tỏ được là ngành mũi nhọn, tiếp tục khẳng định một vị trí chiến lược quan trọng. Chính vào những thời điểm cam go của nền kinh tế, nông nghiệp và xuất khẩu nông sản đã thể hiện rõ nhất vai trò trụ vững và lợi thế cạnh tranh căn bản của Việt Nam trên trường quốc tế. Làm nên những thành quả to lớn đó, không ai khác, chính là những người nông dân cần cù, sáng tạo đang ngày đêm miệt mài lao động trên khắp mọi miền của tổ quốc. Tuy vậy, thực tế đã cho thấy nông dân và khu vực nông thôn là những đối tượng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của quá trình hội nhập với thế giới.Sự đa dạng và biến động của thị trường quốc tế và trong nước đối với quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã đặt người nông dân trước những sức ép lớn cả về nhận thức và hành động.Sự hạn chế về kiến thức, trình độ cũng như các cơ hội được tiếp cận thông tin và nguồn lực đã khiến không ít người nông dân trên khắp cả nước hoang mang, lo lắng và thụ động trên chính thửa ruộng, mảnh vườn của chính mình. Việc không đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng khiến một bộ phận không nhỏ người nông dân lựa chọn phương án “ ly nông và ly hương” để tìm cơ hội kiếm sống khác cho bản thân và gia đình. Do đó, những tác động đã không chỉ dừng lại ở hoạt động sản xuất nông nghiệp mà còn đối với cuộc sống của người nông dân nói riêng và cộng đồng nông thôn nói chung.

Nhận thức sâu sắc những thách thức đối với bộ ba gắn kết nông nghiệp – nông thôn – và nông dân trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng và Chính phủ Việt Nam cùng với các tổ chức xã hội trong và ngoài nước đã nỗ lực không ngừng, bằng những chủ trương, chính sách, chương trình cụ thể, nhằm đồng hành và hỗ trợ người nông dân nói riêng và cộng đồng nông thôn nói chung vượt qua những khó khăn, trụ vững và chủ động trên con đường hội nhập. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đề án tam nông và rất nhiều chương trình hành động khác đã thu hút và tập hợp được sự tham gia của nhiều bộ, ngành cũng như các tổ chức chính trị xã hội. Phong trào “cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” đã và đang triển khai rầm rộ trên cả nước và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo thành phần xã hội.

Trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng sự đồng hành của các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp… người nông dân Việt Nam hôm nay, bằng chính bàn tay, khối óc và trái tim yêu quê hương, yêu đất nước của mình không ngừng học hỏi, tiếp thu những thành tựu khoa học kỹ thuật, sáng tạo trong lao động tạo ra những sản phẩm có chất lượng phục vụ cuộc sống, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Tiếp tục khẳng định và đề cao vai trò, vị thế của người nông dân Việt Nam trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đặc biệt trong giai đoạn đất nước đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Đồng thời, phát hiện và tôn vinh gương nông dân điển hình tiên tiến, có nhiều sáng tạo và đạt hiệu quả cao trong hoạt động lao động sản xuất và xây dựng nông thôn mới nhằm kịp thời động viên, khuyến khích và nhân rộng phong trào sáng tạo trong lao động sản xuất cải thiện kinh tế gia đình và góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2013) và chào mừng thành công Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI, được sự chỉ đạo và bảo trợ của Ban Tuyên giáo Trung Ương,  Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam, Báo Nông thôn ngày nay phối hợp với Công ty Hợp tác Phát triển Quốc tế – IDCC và Đài truyền hình Việt Nam – VTV  tổ chức chương trình Bình chọn và trao danh hiêu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2013 kết hợp với chương trình nghệ thuật sử thi với chủ đề Tự hào Nông dân Việt Nam. Chương trình dự kiến được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1- Đài truyền hình Việt Nam vào 8h30 ngày 15 tháng 10 năm 2013 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.

II.       BAN TỔ CHỨC CHƯƠNG TRÌNH

1.      Đơn vị chỉ đạo

  • Ban Tuyên giáo Trung ương
  • Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

2.      Đơn vị tổ chức thực hiện

  • Báo Nông thôn Ngày nay
  • Công ty Hợp tác Phát triển Quốc tế – IDCC
  • Đài truyền hình Việt Nam – VTV

III.    ĐỐI TƯỢNG & ĐIỆU KIỆN THAM GIA BÌNH CHỌN

1.      Đối tượng tham gia xét chọn danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2013

  • Là nông dân Việt Nam không phân biệt lứa tuổi, thành phần, tôn giáo, dân tộc, trình độ học vấn;
  • Đáp ứng ít nhất 01 trong 02 điều kiện sau:
  1. Có phát minh  đã được ứng dụng và đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao trong hoạt động sản xuất nông nghiệp;
  2. Đã được công nhận danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất kinh giỏi cấp trung ương” do Trung ương Hội Nông dân trao tặng trong vòng 5 năm trở lại đây và hiện vẫn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Danh hiệu này;

2.      Số lượng xét chọn và trao danh hiệu: 30 nông dân tiêu biểu trên cả nước

3.      Tiêu chí bình chọn

3.1.     Tiêu chí chung

  1. Là nông dân gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và Điều lệ, nghị quyết của Hội, tích cực tham gia các phong trào thi đua do Hội Nông dân phát động.
  2. Năng động, sáng tạo, trong cơ chế thị trường; dám nghĩ, dám làm, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực vốn, lao động, đất đai…
  3. Mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Áp dụng mô hình sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hoá; đi đầu trong việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất thực phẩm sạch gắn với bảo vệ môi trường nông thôn và tích cực vận động mọi người cùng thực hiện.
  4. Tích cực hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn.
  5. Hăng hái tham gia các hoạt động xã hội, có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; giúp đỡ những hộ nghèo, hộ chính sách, hộ gặp hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn ở địa phương vượt qua nghèo khó vươn lên.

3.2.     Tiêu chí cụ thể đối với từng nhóm đối tượng xét chọn

a. Nông dân điển hình trong phát minh, sáng chế

  • Phát minh đã được cơ quan quản lý hoặc/và cơ quan chuyên môn chứng nhận (kèm theo Bản chứng nhận);
  • Phát minh chưa được cơ quan quản lý hoặc/và cơ quan chuyên môn chứng nhận nhưng đáp ứng các điều kiện sau:
  1. Tính mới so với trình độ kỹ thuật ở Việt Nam: Các phát minh, sáng chế không trùng lặp, đã được giới thiệu và áp dụng trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam;
  2. Hiệu quả kinh tế – xã hội: Các phát minh sáng chế mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao trong linh vực nông nghiệp và không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và xã hội, an ninh quốc phòng;
  3. Khả năng áp dụng rộng rãi trong điều kiện của nông nghiệp Việt Nam: Các phát minh sáng chế đã được áp dụng hoặc đã được thử nghiệm, sản xuất thử và được chứng minh khả năng áp dụng có hiệu quả;

b. Nông dân điển hình trong sản xuất kinh doanh giỏi

  • Đã đạt danh hiệu “ Hộ nông dân xản xuất kinh doanh giỏi” cấp trung ương do Trung ương Hội Nông dân trao tặng trong vòng 5 năm trở lại đây; (Kèm theo Bản chứng nhận Danh hiệu)
  • Hiện vẫn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trong Điều lệ bình xét “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” do Trung Ương Hội Nông dân ban hành;

4.     Danh hiệu và phần thưởng của các cá nhân nông dân được trao tặng

  • Chứng nhận Danh hiệu “ Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2013” do Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam cấp;
  • Cá nhân Nông dân đạt Danh hiệu sẽ được nhận một phần tiền thưởng bằng tiền mặt của Ban tổ chức;

5.     Cách thức tham gia xét chọn

  • Hội ND các tỉnh/thành phố đề cử không quá 2 nông dân (theo tiêu chí xét chọn ở trên) có xác nhận đồng ý bằng văn bản của UBND các tỉnh/thành và gửi về BTC trước ngày 31/8/2013;
  • Dựa trên Danh sách đề cử của HộiND các tỉnh/thành phố và Hồ sơ thông tin cá nhân nông dân được đề cử, HĐBC tiến hành bình chọn qua 2 vòng (sơ khảo và chung khảo) để chốt Danh sách 30 cá nhân nông dân được trao danh hiệu;
  • BTC cũng tiến hành thăm thực địa và thẩm định các cá nhân nông dân được xét chọn. Số lượng thẩm định sẽ do HĐBC quyết định (không quá 10 cá nhân nông dân), được lựa chọn ngẫu nhiên từ danh sách ngắn (Các cá nhân bình chọn qua vòng sơ khảo);

6.     Hội đồng bình chọn

Hội đồng bình chọn dự kiến bao gồm 10 người:

  • Chủ tịch/phó chủ tịch Hội NDVN: Chủ tịch hội đồng
  • 01 Phó ban tuyên giáo trung ương: Phó chủ tịch hội đồng
  • 01 Thứ trưởng/vụ trưởng – Bộ NN&PTNT – ủy viên
  • 01 Thứ trưởng/vụ trưởng – Bộ Tài nguyên Môi trường – ủy viên
  • 01 Thứ trưởng/vụ trưởng – Bộ Khoa học Công nghệ – ủy viên
  • 01 Thứ trưởng/vụ trưởng – Bộ Công thương – ủy viên
  • TS. Đặng Kim Sơn – ủy viên
  • Nhà báo Lưu Quang Định – TBT  Báo NTNN – ủy viên
  • Phó tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam – VTV – ủy viên
  • Đại diện NTT chính – ủy viên

7.     Ban thư ký Chương trình bình chọn:

  • Nhà báo Phan Huy Hà – Phó Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay – Trưởng ban/Tổng thư ký
  • Chuyên gia Xã hội học Nguyễn Thị Thu Hương – Giám đốc Công ty Hợp tác Phát triển Quốc tế (IDCC) – Phó trưởng ban.
  • Nhà báo Vũ Quỳnh Hương – Báo Nông thôn Ngày nay – Phó trưởng ban
  • Nhà báo Lưu Phan – Trưởng VPDD báo NTNN tại TP Hồ Chí Minh
  • Nhà báo Phạm Lệ Bình – Trưởng phòng HCTC – Báo NTNN
  • Nhà báo Thanh Hiền – Trưởng ban Công tác Hội – Báo NTNN
  • ThS. Báo chí Ngô Văn Phong – Giảng viên Trường Đại học Văn Hóa – Thành viên
  • Nguyễn Thị Thanh Huyền – Công ty IDCC – Thành viên
  • Nguyễn Đức Hiệp – Công ty IDCC – Thành viên

Chức năng Ban thư ký Chương trình:

  • Liên hệ, hướng dẫn, tiếp nhận và tổng hợp Hồ sơ đăng ký và giới thiệu Nông dân Việt Nam tiêu biểu;
  • Kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp tài trợ, hỗ trợ cho chương trình;
  • Tổ chức và hỗ trợ Hội đồng bình chọn trong quá trình tiến hành bình chọn (tổ chức họp, báo cáo kết quả tổng hợp, tổ chức xác minh tại thực địa có sự tham gia của đại diện Hội đồng bình chọn);

8.     Quy chế bình chọn 

  • Ban tổ chức sơ bộ tổng hợp Danh sách đề cử gửi về làm cơ sở cho Hội đồng bình chọn tiến hành các hoạt động bình chọn;
  • Tổ chức bình chọn sơ khảo dựa trên hồ sơ đề cử của các tỉnh hội. Hoạt động bình chọn sẽ được tiến hành công tâm, minh bạch. Danh sách ngắn (Shortlist) sẽ được thực hiện bằng việc lấy phiếu kín của 10 thành viên trong Hội đồng bình chọn;
  • Tổ chức các cuộc thực địa để tiến hành thẩm định các thông tin trong Hồ sơ của các các nhân được lựa chọn trong danh sách ngắn (Shortlist);
  • Kết quả bình chọn do BTC công bố là kết quả cuối cùng để được nhận Danh hiệu Nông dân Việt Nam tiêu biểu năm 2013.

9.     Tiến trình thực hiện hoạt động bình chọn

  • 15/7/2013: Khởi động chương trình bình chọn: thông báo Điều lệ bình chọn và gửi Điều lệ này đến Hội ND/UBND các tỉnh, thành phố; đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng: Đài THVN, Báo NTNN, trang điện tử Dân Việt v.v..
  • 31/8/2013: Kết thúc nhận giới thiệu/đề cử của các đơn vị có liên quan;
  • 10/9/2013: Kết thúc nhận Hồ sơ đăng ký của cá nhân Nông dân được đề cử;
  • 15-20/9/2013: Hoàn thiện thủ tục và tổ chức bình chọn sơ khảo
  • 20-25/9/2013: Tiến hành thực địa để thẩm định các cá nhân được lựa chọn sơ khảo
  • 30/9/2013: Hội đồng chung khảo bình chọn
  • 5-8/10/2013: Tổ chức Họp báo công bố kết quả bình chọn và kế hoạch trao danh hiệu Nông dân Việt Nam tiêu biểu năm 2013.
Điều lệ bình chọn “NÔNG DÂN VIỆT NAM XUẤT SẮC NĂM 2013”
1 phiếu, hạng 5.00, (điểm 96%)